Sóc Trăng không có tàu vi phạm IUU tại vùng biển nước ngoài (06-11-2024)

 Sóc Trăng có tổng số tàu cá đã đăng ký là 842 chiếc, trong đó tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 344 chiếc và 100% số tàu cá 15m trở lên đã được gắn thiết bị giám sát hành trình. Số lao động khai thác thủy sản trực tiếp trên biển là 5.630 lao động.
Sóc Trăng không có tàu vi phạm IUU tại vùng biển nước ngoài
Ảnh minh họa

Sau 7 năm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) và qua 4 đợt thanh tra của EC, đến nay tình hình chống khai thác IUU của Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật. Đã hoàn thiện khung pháp lý; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định, và việc xử phạt vi phạm khai thác IUU được tăng cường hơn trước… Góp vào kết quả đó, tỉnh Sóc Trăng là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác quản lý đội tàu đánh bắt cá trên biển, không để tàu cá khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Mặc dù tỉnh Sóc Trăng có đội tàu không lớn nhưng để chủ động, kịp thời khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành hàng loạt các chương trình, kế hoạch, thông báo để thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư và Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ, nhằm kịp thời khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh đã tổ chức 8 cuộc họp, 2 cuộc đối thoại trực tiếp với ngư dân và triển khai 7 đợt kiểm tra thực tế tại địa phương để đánh giá tình hình, kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác chống khai thác IUU.

Kinh nghiệm của tỉnh trong công tác triển khai chống khai thác IUU đó là: Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho các ngành chuyên môn của tỉnh và các địa phương thường xuyên tổ chức tập huấn, tuyên truyền công tác chống khai thác IUU trực tiếp cho ngư dân. Ngoài ra, triển khai các phiên tòa giả định tại các huyện ven biển trọng điểm để tuyên truyền trực tiếp cho ngư dân, cán bộ, đoàn viên, hội viên về chống khai thác hải sản IUU trực tiếp cho chủ tàu cá, thuyền trưởng tàu cá tại địa phương.

Đối với quản lý đội tàu, tỉnh Sóc Trăng thực hiện phân quyền đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho đơn vị chuyên môn, chỉ đạo các đơn vị quyết liệt thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn. Quản lý kiểm tra, kiểm soát 100% các tàu cá ra, vào cảng và được thực hiện 24/24 giờ. Đồng thời, đã triển khai tàu cá xuất, cập cảng trên hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử; thường xuyên cập nhật đầy đủ thông tin tàu cá vào cơ sở dữ liệu quốc gia Vnfishbase. Phối hợp các tỉnh bạn để kiểm tra, giám sát các tàu cá đang hoạt động khai thác thủy sản ở ngoài tỉnh. Thông qua công tác quản lý tàu cá chặt chẽ như trên, từ năm 2023 đến nay, tỉnh Sóc Trăng không có tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Trong công tác thực thi pháp luật, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập trung tâm giám sát tàu cá hoạt động tại tỉnh, thực hiện trực giám sát 24/24 giờ để theo dõi tàu cá hoạt động khai thác trên biển, các trường hợp mất kết nối được thông báo nhanh đến chủ tàu để kịp thời khắc phục. Đối với các tàu cá 3 không, tàu cá nằm bờ lâu ngày không hoạt động, tàu cá hết hạn giấy phép khai thác thủy sản, tàu cá mua bán, sang tên, đổi chủ chưa đăng ký lại, đưa vào danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để phối hợp theo dõi, quản lý. Triển khai hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử, hướng dẫn, hỗ trợ cho các chủ tàu, thuyền trưởng tải ứng dụng cài đặt và sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử, đăng ký tài khoản cho doanh nghiệp có chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác…

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chống khai thác IUU, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Công văn số 81-CV/TW, ngày 20/3/2020 của Thường trực Ban Bí thư về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền, cử cán bộ đến tận địa phương vận động chủ tàu thực hiện nghiêm việc khai báo khi tàu cập và rời cảng; thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, cập nhật đầy đủ số liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfishbase. Xử lý nghiêm tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Thực hiện nghiêm công tác giám sát sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng; xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đảm bảo đúng quy định.

Đặc biệt, tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản, vi phạm quy định về giám sát hành trình…

Ngọc Thúy (soctrang.dcs.vn) 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác